Bóc tách khối lượng lập dự toán mố trụ cầu thì phải làm những gì?

Bóc tách khối lượng lập dự toán mố trụ cầu thì phải làm những gì?

Câu hỏi: Thưa thầy, em đang chuẩn bị để theo học lớp dự toán tại của thầy tại GXD (Công ty Cổ phần Giá Xây Dựng). Em muốn tìm hiểu các vấn đề trước khi học. Mong thầy giải đáp 1 số câu hỏi về bóc tách khối lượng và dự toán của mố trụ cầu
– Thế nào là dự toán, thế nào là bóc tách khối lượng? 2 cái đó có giống nhau hay không?
– Nếu như phải bóc tách khối lượng của mố, trụ cầu thì cụ thể phải làm những gì?
Em mong thầy trả lời qua giúp em, còn chi tiết em sẽ tìm hiểu khi học ạ. Em cảm ơn thầy.

Trả lời:

1. Thế nào là dự toán, thế nào là bóc tách khối lượng?

Hình dung, em muốn mời các bạn vào quán cà phê, khi thanh toán không có tiền thì thật là quê phải không nào! Nên trong túi em có lượng tiền nhất định, em cần ước lượng trước xem có đủ tiền để thanh toán không?
– Em nhẩm tính số người, mỗi người uống một loại đồ uống gì đó, sẽ ra số lượng (cốc cà phê, sinh tố, ly kem, đĩa hoa quả…) đấy gọi là bóc tách khối lượng.
– Sau đó nếu biết giá rồi, em đem áp giá vào số lượng nói trên sẽ tính ra được số tiền em cần thủ trong túi, nếu dư dư 1 chút để dự phòng phát sinh thì càng tốt. Giá trị này tương tự như dự toán (tiền).

Qua ví dụ trên em có thể hình dung được phần nào về dự toán và bóc tách khối lượng. Dự toán là thứ mọi người đều làm hàng ngày, trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội. Đối với câu hỏi của em, là về dự toán công trình và bóc tách khối lượng công tác xây dựng:

  • Dự toán là tính toán xác định và dự đoán trước số tiền cần thiết để xây dựng công trình khi nó vẫn nằm ở bản vẽ thiết kế. Để sao cho khi triển khai thi công công trình đó, có đủ tiền để chi thực hiện các công việc từ khởi công đến kết thúc xây dựng đưa công trình vào vận hành. Có thể diễn đạt ngắn gọn: dự toán là bản kế hoạch chi phí để xây dựng công trình.
  • Bóc tách khối lượng: từ bản vẽ thiết kế hình dáng – kết cấu – chi tiết của công trình, em phải biến nó thành Tên các công việc cần làm, quy cách các công việc đó phù hợp với định mức dự toán, khối lượng tương ứng của từng công việc.

Như vậy dự toán và bóc tách khối lượng là khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ với nhau. Người ta phải bóc tách khối lượng để lấy số liệu tính tiền – tức là lập dự toán.

2. Nếu như phải bóc tách khối lượng của mố, trụ cầu thì cụ thể phải làm những gì?

Để bóc tách khối lượng của mố, trụ cầu cụ thể em phải làm:

Bước 1. Nghiên cứu hồ sơ thiết kế, bản vẽ, biện pháp thi công mố, trụ cầu. Đảm bảo đã hiểu rõ về công trình

Bước 2. Hình dung và liệt kê ra các công việc cần làm từ khi chưa có gì cho đến khi các mố, trụ cầu đó sừng sững trước mặt em có thể sờ vào được.

Thường phải có kinh nghiệm em mới hình dung ra được, nếu chưa có em phải học. Em có thể xem danh mục công việc trong dự toán mố trụ cầu mà người khác đã làm, sưu tầm được bản dự toán công trình đã phê duyệt càng tốt.

Bước 3. Theo cách phổ biến ở Việt Nam hiện nay, em mở phần mềm Dự toán GXD (hoặc dùng quyển định mức, đơn giá cũng được). Em lần Lượt tra các mã hiệu cho các công việc đã liệt kê ở bước 2. Với mỗi mã hiệu tra được tương ứng sẽ có đơn vị tính.

Bước 4. Dựa vào bản vẽ thiết kế, Biện pháp thi công em phân chia mố, trụ cầu ra các khối hình có thể lấy được kích thước tính ra được các khối lượng có thứ nguyên đơn vị tính khớp với đơn vị ở Bước 3. Rồi nhập số liệu em lấy được từ thiết kế vào phần mềm Dự toán GXD. Sau khi em nhập xong, phần mềm sẽ tự tính toán khối lượng cho em.

Trong thực tế, các công trình mố, trụ cầu Kỹ sư thiết kế thường bóc khối lượng rồi cấp cho người lập dự toán áp giá. Nhưng nếu em có thể bóc tách, kiểm tra, áp định mức, đơn giá lập dự toán thì em có nhiều lợi thế trong công việc, thăng tiến…

Em cũng nên tải và đọc kỹ Thông tư số 17/2019/TT-BXD ngày 29/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình. Vào mục Tài liệu học dự toán ngay trên website này tìm tải.

Trên đây là tôi cố gắng diễn đạt 1 nội dung khá phức tạp trong vài bước đơn giản để giải đáp câu hỏi của em. Em hãy hành động và bắt tay vào làm thực tế, nếu chưa có cơ hội và chạm với công trình thì hãy tự tạo ra cơ hội: tìm kiếm, mượn, mua, photo các hồ sơ công trình tương tự để mà tìm hiểu, tập làm trước. Để khi có cơ hội đến thì mình đã có kinh nghiệm rồi khỏi bỏ lỡ.

About The Author