Lập dự toán nạo vét lòng hồ em nên bắt đầu từ đâu xin định hướng giúp
Lập dự toán nạo vét lòng hồ em nên bắt đầu từ đâu xin định hướng giúp
Một học viên đem câu hỏi tới khóa học Dự toán GXD: Em đang lập dự toán nạo vét lòng hồ mà chưa có định hướng gì cụ thể. Nhờ thầy và các anh chị có kinh nghiệm chỉ giúp em với. Mọi người có file dự toán hay thuyết minh hay biết căn cứ nào để lập xin chỉ giúp em với ?
Trả lời:
Khó nhất là điểm bắt đầu, dưới đây là các gợi ý phác họa nhanh giúp em có thể bắt đầu, chứ ngồi viết cho chỉn chu lâu lắm. Action – hành động, bắt tay vào làm rồi hoàn thiện dần mới ra vấn đề được, ngồi nghĩ không ăn thua.
Em bắt đầu từ thiết kế, biện pháp thi công nạo vét lòng hồ.
Xem đường đi lối lại thế nào, máy móc tiếp cận hồ, nhân công ra làm sao, có phải bơm nước cạn đi để nạo vét không (thiết kế biện pháp do bên kỹ thuật làm – mình xem vào đó để trả lời các câu hỏi). Thế rồi liệt kê các đầu việc ra:
– Bơm nước cạn lòng hồ để có thể thi công. Bơm đi đâu? máy và thiết bị thế nào? Chỗ chứa nước, thoát nước? Có phải ngăn chặn các đường dẫn nước vào trước khi bơm không? Bởi không chặn thì bơm ra nó lại chảy vào? Các câu trả lời đó dẫn đến các đầu việc phải làm và tính tiền.
– Bơm cạn xong rồi có phải vét lớp bùn không? Dùng nhân công hay dùng máy? Máy thì đưa xuống vị trí thi công thế nào? Có phải đào đường, làm đường cho máy xuống không? -> ra đầu việc.
– Nạo vét xong lớp bùn thì đến lớp đất mềm xốp, lớp đất cứng thế nào? -> xem khảo sát địa chất, họ vẽ ra trên thiết kế.
– Nạo vét thì đổ đi đâu -> có phải vận chuyển đổ đi hay không? -> tính vận chuyển.
– Có phải thi công xây kè, bờ, làm mương rãnh, đài phun nước gì không?
– Lấy tập giấy, liệt kê các đầu việc ra hoặc gõ vào Word hoặc gõ vào sheet Du toan XD cũng được. Gặp người thiết kế hoặc kỹ thuật trao đổi với họ các đầu việc này OK chưa ? Liệu còn đầu việc nào chưa tính đến không ?
– Thế rồi mở định mức 10 ra, tra các mã định mức tương ứng, ghi đơn vị tính, ghi các số liệu khối lượng bên cạnh (nếu kỹ thuật đã tính toán, thống kê trên bản vẽ), nếu chưa có số liệu khối lượng thì phải bóc tách số liệu ghi dưới mỗi công việc tương ứng, rồi tính toán.
– Công việc còn lại là tra mã, nhập tên công việc vào phần mềm, nhập khối lượng, chạy tổng hợp vật tư, kiếm giá phù hợp với công trình mà nhập vào… đến khi in ra dự toán.
Có bản dự thảo dự toán thì gửi cho những người có trách nhiệm xem và góp ý. Cứ bắt tay vào làm, rồi hoàn thiện đúng dần. Phần mềm Dự toán GXD có lệnh chèn dòng, xóa bớt công việc, tự động cập nhật bảng vật tư… nên thêm bớt, chỉnh sửa cũng tiện.
Căn cứ cơ sở pháp lý thì phải dựa vào: Thiết kế (bản vẽ, thuyết minh…), quyết định phê duyệt dự án… và các văn bản như video sau chỉ dẫn:
Mình trước chẳng có ai chỉ dẫn, không có những thứ sẵn có như này, toàn phải tự mò mẫm không bột mà gột lên hồ mà giờ còn ngon lành được. Chứ có sẵn như các bạn bây giờ thì không biết khả năng sức bật đã tới đâu nữa rồi. Sướng nhất là có người chỉ cho đường đi nước bước, đỡ bao nhiêu thời gian cuộc đời lần mò, không biết đường nào mà lần.
Có bạn chia sẻ: Em làm mấy cái lập dự toán nạo vét hồ, ao chả được tính bơm nước. “Nó” cắt hết đi. Thực tế phải bơm rất nhiều. Thậm chí bơm xong trời đổ mưa lại đầy ao, đầy hồ. Họ chỉ cho tính vào công tác đào bùn thôi.
Kinh nghiệm: Thiết kế phải phối hợp với dự toán. Có bản vẽ biện pháp trình bày vấn đề em nói ấy. Thì khi dự toán lập không thể cắt đi được. Cái này phải có thiết kế, có tính toán công tác duy trì mực nước để có thể thi công. Chỉ một mình dự toán tác chiến thì bị cắt là khó đỡ.