Khác nhau giữa dự toán công trình vốn tư nhân và dự toán công trình vốn đầu tư công
Khác nhau giữa dự toán công trình vốn tư nhân và dự toán công trình vốn đầu tư công *
Nếu bạn đang có thắc mắc Lập dự toán công trình vốn tư nhân khác với vốn đầu tư công như thế nào? Các chuyên gia tác giả phần mềm Dự toán GXD chia sẻ với bạn bảng phân tích và so sánh sau:
Dự toán công trình vốn đầu tư công (vốn nhà nước) | Dự toán công trình vốn đầu tư tư nhân |
Phải tuân thủ tuyệt đối các văn bản quy định, hướng dẫn của Nhà nước. | Tham khảo các văn bản quy định, hướng dẫn của Nhà nước, không nhất thiết phải tuân thủ tuyệt đối. Có đường mòn dù sao cũng tốt hơn phải tìm đường, dọn đường, phát quang bụi rậm. |
Phải theo quy trình, lập, thẩm tra / thẩm định theo đúng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Nhà nước. | Không nhất thiết phải theo đúng quy định trong các văn bản về quản lý chi phí của Nhà nước. |
Các định mức tỷ lệ (trực tiếp phí, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí xây dựng nhà tạm…) theo quy định (Thông tư 09/2019/TT-BXD). | Các định mức tỷ lệ chả cần theo quy định nào, có thể cắt bỏ, tăng – giảm tùy ý (nếu có thể). Thực tế thì vẫn theo Thông tư 09/2019/TT-BXD, vì tự đi xác định các định mức tỷ lệ C, GT, TL.. thì không biết mức nào cho vừa. |
Cơ cấu chi phí theo 6 nội dung dự toán: Chi phí xây dựng (Gxd), chi phí thiết bị (Gtb, chi phí quản lý dự án (Gqlda, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (Gtv), chi phí khác (Gk), chi phí dự phòng (Gdp). | Cơ cấu chi phí có thể khác: Có thể không cần chi phí quản lý dự án (tự làm), không cần chi phí tư vấn (tự làm, nhờ người quen làm giúp)… |
Theo các phương pháp xác định hướng dẫn trong Thông tư 09/2019/TT-BXD. Nếu bạn không theo phương pháp đó, khi thẩm tra / thẩm định dự toán, phê duyệt sẽ gặp khó khăn, ách tắc. | Không cần theo phương pháp đó cũng được. Tự chọn phương pháp áp dụng. Học phương pháp của Tây cho tiên tiến cũng OK. |
Người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế lập dự toán, Tư vấn thẩm tra… có các vai trò (thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm được phân cấp, phân giao) trong quá trình lập, thẩm tra, phê duyệt, điều chỉnh. Phải có lộ trình. | Chủ đầu tư tự quyết hết, tự chịu trách nhiệm hết. Muốn giao cho ai thực hiện thì giao. Quyết nhanh, thực hiện nhanh. |
Xảy ra lỗi, lập đi lập lại, tốn kém chi phí thì Nhà nước gánh chịu… | Xảy ra lỗi, lôi tiền túi của mình ra – rất xót, rất tiếc nên rất cẩn thận. |
Chi phí xây lắp công trình từ ngân sách Nhà nước. Chi phí quản lý dự án, tư vấn tính theo tỷ lệ % trên chi phí xây dựng và lắp đặt. Do đó chi phí xây lắp có tính lớn hơn thì chỉ Nhà nước chi nhiều hơn, còn các thành phần tham gia vào đều có lợi. Vì thế, nhiều trường hợp không phải cố gắng kiềm chế để giảm chi phí. | Chi phí xây lắp từ tiền túi của mình. Nên trong mọi trường hợp cứ tăng lên là thiệt hại, ảnh hưởng. Vì thế, tự giác kiểm soát, kiềm chế tối đa sự tăng chi phí. Trong trường hợp phát hiện yếu tố có lợi (đẩy nhanh thi công, sớm đưa công trình vào khai thác, chiếm lĩnh thị trường…) tự quyết cho việc chi tăng. |
Số liệu đầu vào, phương pháp và công thức xác định ra giá trị dự toán xây dựng công trình do Nhà nước kiểm soát. Mục tiêu là để chống Thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn đầu tư công. Người lập dự toán phải thông hiểu các quy định, hướng dẫn của Nhà nước để lấy số liệu cho phù hợp. | Người lập dự toán công trình làm sao thuyết phục Chủ đầu tư OK là được. Giúp Chủ đầu tư hoàn thành công việc, còn vốn của họ tự quản, Nhà nước không can thiệp. Bạn lập dự toán phải am hiểu thị trường, thực tế và nắm các quy định, hướng dẫn của Nhà nước để lấy số liệu cho phù hợp. |
Bạn xem thêm Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 09/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thông tư số 09/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng căn cứ Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ để hướng dẫn lập và quản lý chi phí trong đó có hướng dẫn các phương pháp lập dự toán. Thông tư số 10/2019/TT-BXD ban hành định mức của Bộ Xây dựng hiện chủ trương bắt buộc áp dụng cho nguồn vốn Đầu tư công, có thể áp dụng, vận dụng, tạm tính cho công trình vốn tư nhân. Chủ đầu tư các nguồn vốn khác được tự quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trong việc Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Dự toán vốn đầu tư tư nhân có quyền áp dụng hoặc không áp dụng cơ cấu dự toán, các khoản chi phí theo định mức tỷ lệ, phương pháp, định mức, đơn giá nhà nước.
Tuy nhiên, đa phần hiện nay, các Chủ đầu tư vẫn áp dụng các chế độ chính sách, đơn giá Nhà nước và điều chỉnh, vận dụng linh hoạt 1 số trường hợp riêng (phê duyệt riêng) nếu thấy cần thiết. Lý do: Nhà nước đã mất nhiều thời gian, công sức đưa ra hệ thống các hướng dẫn, phương pháp, công thức, số liệu… được đúc kết, chỉnh sửa qua nhiều năm, việc đi nghĩ ra phương pháp mới, cách làm mới (giống như mở lối đi mới) có thể khó khăn, gây chậm trễ, làm ảnh hưởng đến khai thác dự án sớm, điều này các dự án vốn tư nhân thường rất khắt khe.
Đi xin việc gì người ta cũng cần kinh nghiệm, phải thể hiện được kinh nghiệm. Kinh nghiệm và tầm nhìn sẽ rất hạn hẹp nếu chỉ luanh quanh công việc, dự án bạn làm trực tiếp. Cần mở rộng, tích lũy kinh nghiệm – kiến thức từ các bài đọc như trên và từ nhiều nguồn khác.
* Theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi Luật Xây dựng số 50 thì cụm từ “vốn ngân sách nhà nước” thay bằng cụm từ “vốn đầu tư công”, “vốn nhà nước” thay bằng “vốn đầu tư công”, “vốn ngoài ngân sách” thay bằng “vốn nhà nước ngoài đầu tư công”.