1 số thuật ngữ Anh Việt về công trình thiết kế xây dựng và giải nghĩa
1 số thuật ngữ Anh Việt về công trình, thiết kế xây dựng và giải nghĩa. Học năng suất 1 được 3 luôn: vừa học từ vựng thuật ngữ Anh – Việt, vừa trang bị hiểu biết thêm về công trình xây dựng, ngôn ngữ phát triển.
Nhiều kỹ sư nói đến thuật ngữ xây dựng công trình tiếng Việt còn ú ớ, chẳng hiểu nó là cái gì thì làm sao mà tính tiền (lập dự toán) cho nó đúng được? Các bạn sinh viên không chỉ học phần giới hạn thầy/cô cho để thi qua môn đâu. Muốn ra trường đi làm được, giỏi và vốn hiểu biết rộng bạn phải đọc và học thêm nhiều từ bên ngoài.
Xin chia sẻ với bạn 1 số thuật ngữ Anh Việt về công trình, thiết kế xây dựng và giải nghĩa. Từ các kỹ sư xây dựng muốn học tiếng Anh, đến các bạn cử nhân ngoại ngữ cần học thuộc, hiểu rõ. Để đọc, dịch được các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành xây dựng bạn phải học từ vựng và hiểu rõ chúng là gì.
Construction entity: Công trình xây dựng. Là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.
Construction site: Công trường xây dựng. Khu vực mặt đất, mặt nước hoặc là nơi dùng để tiến hành xây dựng công trình. Trên công trường có nhiều công trình, mỗi một công trình riêng biệt là một hạng mục công trình.
Construction level, Elevation: Cốt xây dựng. Là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa.
Red-line boundary: Chỉ giới đường đỏ. Là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.
Construction demarcation: Chỉ giới xây dựng. là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình chính trên thửa đất.
Strutural systems: Hệ kết cấu công trình. Bộ phận của công trình chịu tải trọng sử dụng và tự nhiên đảm bảo cho công trình bền vững ổn định.
Structural members: Cấu kiện xây dựng. Phần tử cơ bản tạo nên hệ kết cấu công trình (Cọc, đài, dầm, cột, vách, sàn …).
Foundation: Nền công trình. Phần mặt đất nhận toàn bộ tải trọng do công trình truyền lên. Nền có chức năng giữ cho công trình đứng vững tại vị trí xây dựng.
Supper structure: Thân công trình. Phần chứa đựng và đảm bảo hoạt động của dây chuyền công năng công trình.
Foundation system: Móng công trình. Hệ kết cấu đầy đủ có chức năng nhận toàn bộ tải trọng của công trình để truyền xuống nền công trình.
Roof: Mái công trình. Phần công trình có chức năng che mưa, che nắng bảo vệ công trình.
Finishing: Phần hoàn thiện công trình. Phần công trình có chức năng bảo vệ cho công trình, kết cấu khỏi các tác động của thời tiết và làm thẩm mỹ cho công trình.
Equipment: Thiết bị công nghệ công trình. Những trang thiết bị không thuộc kiến trúc (điện, nước, máy móc, dụng cụ…) được lắp đặt vào công trình xây dựng, phục vụ cho sự hoạt động của dây chuyền công năng công trình.
Decorating: Trang trí. Những phần nằm ngoài kiến trúc và công nghệ có chức năng làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình gồm có: trang trí nội thất (phía trong công trình) và trang trí ngoại thất (phía ngoài công trình).
Environment: Môi trường tự nhiên với công trình. Khoảng không gian xung quanh công trình chịu tác động của công trình và tác động tới công trình.
Basic design: Thiết kế cơ sở. Thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo (là khung định hướng cho các giai đoạn thiết kế tiếp theo).
Technical design: Thiết kế kỹ thuật. Thiết kế công trình trong giai đoạn thực hiện đầu tư khi thực hiện thiết kế theo ba giai đoạn. Thiết kế kỹ thuật có nhiệm vụ xác định các giải pháp, thông số kỹ thuật đảm bảo công trình vận hành tốt, bền và chi phí xây lắp hợp lý. Thiết kế kỹ thuật bao gồm đầy đủ nội dung công nghệ (công năng), kiến trúc, kết cấu và biện pháp thi công xây dựng công trình. Thiết kế kỹ thuật phải tuân thủ những tiêu chí của thiết kế cơ sở. Thiết kế kỹ thuật chỉ cụ thể hóa về mặt kỹ thuật các thiết kế cơ sở không là tài liệu thi công.
Thiết kế kỹ thuật bao gồm thuyết minh tính toán, các bản vẽ thể hiện kết quả của thiết kế (bao gồm dây chuyền công năng, giải pháp kiến trúc, kết cấu, biện pháp kỹ thuật và nguyên lý tổ chức tiến hành xây dựng công trình) và dự toán thiết kế (giá xây dựng theo thiết kế).
Phần biện pháp kỹ thuật cơ bản áp dụng và nguyên lý tổ chức tiến hành xây dựng tạo thành nội dung của thiết kế tổ chức xây dựng.
Construction Document Design: Hồ sơ Thiết kế thi công (hoặc Thiết kế thi công). Thiết kế phục vụ thi công xây dựng công trình. Thiết kế thi công là bước tiếp theo của thiết kế kỹ thuật trong thiết kế ba bước. Trong thiết kế hai bước thiết kế thi công kết hợp cùng thiết kế kỹ thuật thiết kế kỹ thuật thi công. Thiết kế thi công cụ thể hóa các thông số của thiết kế kỹ thuật và phải phù hợp với điều kiện thi công của công trình. Thiết kế thi công là bước tiếp theo của thiết kế kỹ thuật để thi công công trình. Thiết kế thi công là tài liệu để chỉ đạo và giám sát quá trình thi công. Thiết kế thi công là triển khai các bản vẽ kỹ thuật (kiến trúc, kết cấu, công nghệ) để người thi công có thể thực hiện được một cách chính xác, nhà quản lý có thể tính chính xác giá thành xây dựng công trình (dự toán thi công). Phần thiết kế tổ chức xây dựng sẽ được nhà thầu cụ thể hóa tạo thành thiết kế tổ chức thi công.
Construction: Thi công. Quá trình tiến hành thực hiện các công việc xây dựng tại công trường xây dựng.
Execution of building works: Thi công xây dựng công trình. Gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
Equipment installed in works: Thiết bị lắp đặt vào công trình. Gồm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ. Thiết bị công trình là thiết bị được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế xây dựng. Thiết bị công nghệ là thiết bị nằm trong dây chuyền công nghệ được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ.
Work: Công việc. Một hoạt động sản xuất dùng những vật liệu và thiết bị nhất định làm ra một sản phẩm định trước (ví dụ: công việc xây, bê tông, quét vôi…).
Activities: Công tác. Công việc hay phần công việc được thực hiện tại một vị trí trong thời gian nhất định một cách liên tục (ví dụ: đổ bê tông móng trục A, bê tông cột tầng 3…).
Temporary manufacturing & fabricating areas: Xưởng xí nghiệp phụ trợ. Cơ sở sản xuất được thành lập để làm dịch vụ hay để sản xuất nguyên vật liệu, bán sản phẩm hoặc sản phẩm phục vụ cho thi công xây dựng công trình (ví dụ xưởng mộc, cơ khí, mỏ khai thác vật liệu, trạm sản xuất vật liệu, cát, bê tông…).
Temporary housing & Storage areas: Kho bãi nhà tạm. Những công trình được xây dựng phục vụ làm việc, sản xuất, sinh hoạt của các đơn vị tham gia thi công, sau khi kết thúc xây dựng sẽ được thanh lý.
Construction technologies & management diagram: Sơ đồ tổ chức – công nghệ. Mô hình cơ cấu một công nghệ sản xuất.
Description of construction technologies: Phiếu mô tả về công nghệ thi công. Diễn giải nội dung của sơ đồ tổ chức – công nghệ và các tiêu chí công nghệ cần đạt được.
Descrition of workmanship: Phiếu mô tả lao động. Một nội dung của tổ chức thi công, nêu yêu cầu về lực lượng lao động gồm số lượng, chất lượng và ngành nghề của cán bộ kỹ thuật và công nhân theo thời gian xây dựng công trình.
Nguồn: https://tienganhxaydung.com trích từ giáo trình Thiết kế biện pháp thi công, tác giả Ths Nguyễn Thế Anh.