Hiểu quy trình thi công cấp phối đá dăm để thẩm định thẩm tra dự toán không cắt sai đầu việc
Mình viết bài này là vì quyền lợi Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế lập dự toán, Nhà thầu và lợi ích xã hội. Mình đã thấy có người thẩm tra không có chuyên ngành cắt mất Đầu việc và chi phí ủ, dưỡng ẩm, trộn cấp phối đá dăm (CPDD), vận chuyển từ bãi ủ ra vị trí thi công. Trọng tâm bài là chiến đấu đủ đầu việc, không bị cắt khi thẩm định / thẩm tra, đảm bảo có sản phẩm tốt, ít phế thải môi trường. Nói cho người không chuyên ngành hiểu, có thể vấn đề kỹ thuật diễn đạt chưa chuẩn, anh/em bổ sung thêm.
Mặt đường (Surface course) sẽ tốt không lún, nứt, bong, tróc… nếu lớp móng đường (Base course, Subbase course) được thi công tốt.
Từ khâu lập dự toán, thẩm định/thẩm tra dự toán người ta không hiểu cứ cắt mất công tác. Anh/em nhà thầu liên quan đến quyền lợi mình nhưng không chịu phát biểu để tuyên truyền cho người ta hiểu:
- Phải có công tác chở CPDD ở mỏ về bãi tập kết (thêm chi phí bãi tập kết nữa)
- Phải có công tác ủ, dưỡng ẩm
- Phải có công tác trộn CPDD trước khi lu lèn
- Phải có công tác chở từ bãi tập kết ra vị trí thi công
- Rồi mới là công tác rải CPDD, lu lèn từng lớp
Phổ biến bây giờ người ta dùng cấp phối đá dăm để thi công lớp móng đường. Hiểu đơn giản: Cấp phối đa dăm có ưu điểm là các loại hạt (đá, đất) với các kích cỡ khác nhau nằm xen kẹp, hạt to chịu lực lớn, hạt nhỏ chui vào trong chỗ rỗng giữa các hạt lớn chống đỡ thêm cho hạt lớn.
Quy trình thi công chuẩn (hiểu nôm na, còn muốn chuẩn hơn đọc tiêu chuẩn): Chọn được loại CPDD phù hợp theo thiết kế, chở về tập kết:
1. Ủ 3 ngày, có tưới nước dưỡng ẩm. Tại sao? Bởi vì hạt đá cần tầm đó thời gian để ngấm đủ độ ẩm.
2. Sau đó đem trộn đều (để hạt to, hạt nhỏ trộn đều)
3. Đem ra san gạt, lu nèn từng lớp (phải máy san gạt chuyên dụng, chứ máy ủi thì ko được). Để làm gì? Tránh sự phân tầng hạt to nằm chụm vào 1 chỗ, nơi thì lại toàn hạt nhỏ – mất đi ưu điểm của cấp phối là sự xen kẹp để chịu lực đồng thời.
Nếu lớp móng làm tốt, sau đó lớp bê tông mặt đường được rải và lu lèn sẽ rất bền. Còn nếu để lớp móng bị phân tầng, thì bên trong bê tông áp phan có tốt mấy, dầy mấy thì cũng hỏng. Các loại phương tiện chạy rầm rập, bánh xe bám miết mặt được tốc độ cả trăm km / giờ, hàng chục tấn hàng đè xuống – lưc động chịu sao nổi !?
Nếu không làm được như trên, khi san gạt rồi lu lèn thì có thể lớp CPDD bị tạo ra sự phân tầng, chỗ thì hạt to, chỗ thì hạt bé, không xen kẹp nhau. Vì thế mất đặc tính tốt đẹp của cấp phối đá dăm là: lớn nhỏ theo tỷ lệ vừa phải, xen kẹp lẫn vào nhau tạo ra độ chặt, khả năng chịu lực tốt. Khi lớp base, sub base ko tốt, thì lớp nhựa trên mặt không cách gì giữ khỏi bị hư hỏng, bong tróc, lún nứt.
Base course: Cấp phối đá dăm loại I (dùng làm lớp móng trên): Là cấp phối hạt mà tất cả các loại cỡ hạt (kể cả hạt thô và mịn) đều được nghiền từ đá nguyên khai.
Subbase course: Cấp phối đá dăm loại II (dùng làm lớp móng dưới): Là cấp phối hạt được nghiền từ đá nguyên khai hoặc cuội sỏi, trong đó cỡ hạt nhỏ hơn 2,36mm có thể là vật liệu hạt tự nhiện không nghiền nhưng khối lượng không được vượt quá 50% khối lượng cấp phối đá dăm. Khi cấp phối đá dăm được nghiền từ sỏi cuội thì ít nhất 75% số hạt trên sàng 9,5mm phải có từ hai mặt vỡ trở lên.
Dù sao thì anh/em cũng học được 1 vài từ tiếng Anh chuyên ngành qua bài này nhé. Hãy chia sẻ đều nhiều người biết và cùng thực hiện. Kiến thức nhiều khi chỉ mình biết không ăn thua, phải phổ biến, đồng bộ, cùng một mặt bằng mới dễ làm việc.